menu

Liên Kết

www.shaolinwingchun.com
www.peimeikungfu.com

LƯU TRỮ

Trang Nhất

Ý nghĩa nhân văn những ngày lễ của Vịnh Xuân Chính Thống Phái

Tự ngàn xưa, dù phương Đông hay phương Tây, Lễ và Nhạc luôn đóng vai trò quan trọng trong công cuộc giáo hóa con người, xây dựng và cải tạo xã hội.

Trong sinh hoạt của những môn phái cổ truyền, những ngày Lễ có ý nghĩa rất quan trọng về phương diện nhân văn vì đó chính là truyền thống văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc. Trong khuôn khổ của một bài viết, người viết chỉ có thể trình bày một cách khái quát về ý nghĩa của những ngày Lễ chính yếu mà Vịnh Xuân Chính Thống Phái luôn trang trọng bảo tồn để không mai một với thời gian.

Có thể phân loại Lễ Nhật theo mối tương quan với 3 dạng chủ thể đối tượng :

• Môn Phái
• Chưởng Môn (đại diện cao nhất của môn phái),
• Cá nhân người môn đồ ở các cấp.

ĐỐI VỚI MÔN PHÁI (có 3 Đại Lễ)

• Lễ giỗ Tổ

Với ý nghĩa uống nước nhớ nguồn, để tưởng nhớ công ơn của Tổ Sư, mỗi môn phái theo truyền thống hàng năm đều có tổ chức ngày Đại Lễ này. Thông thường đó là ngày Tổ Sư mất (hay viên tịch). Nhưng trong thực tế lịch sử không phải lúc nào cũng xác định được ngày, tháng, năm chính xác, đa phần chỉ dựa theo truyền thuyết, căn cứ trên lời nói truyền khẩu của các bậc Thầy, các bậc Tiền bối đời này qua đời khác với mức độ xác tín phải chấp nhận là tương đối. Nhưng dẫu không tuyệt đối chính xác thì quan trọng vẫn là cái TÂM, và ý nghĩa đích thực vẫn là tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo. Võ Đường Trung Ương, các Võ đường và các võ quán trực thuộc, do điều kiện mỗi nơi khác nhau, có thể không nhất thiết phải tỗ chức cùng một ngày nhưng nhất thiết đều phải trang trọng tổ chức.

• Lễ Bế Môn

Được cử hành vào cuối năm âm lịch (thường vào ngày 23 tháng chạp ), trước khi nghỉ Tết Nguyên Đán. Đây là dịp để tập thể cùng nhau đúc kết và rút ra những ưu khuyết trong năm. Ngoài phần báo cáo hoạt động trong năm của các Hội Đồng ( Lãnh Đạo, Điều Hành, Kỷ Luật…), phần quan trọng không thể thiếu vẫn là biểu diễn kỹ thuật công phu của các môn đồ xuất sắc, tiêu biểu cho thành quả tiến bộ đã đạt được. Cuối cùng sẽ là liên hoan tất niên theo thông lệ.

• Lễ Khai Môn

Được cử hành vào đầu năm âm lịch để bắt đầu một năm tập luyện mới. Tuy không kéo dài và không có biểu diễn, nhưng huấn từ của Chưởng Môn hay các thông điệp ở các cấp Võ Đường, Võ Quán sẽ có ý nghĩa quan trọng mang tính định hướng chiến lược phát triển môn phái cho trung và dài hạn.

Có một nguyên tắc bất thành văn là ngày bế môn hay khai môn ở các nơi có thể khác nhau chút ít do điều kiện riêng của mỗi nơi, nhưng tựu trung Lễ Bế Môn tại Võ Đường Trung Ương bao giờ cũng phải tổ chức sau cùng so với các Võ Đường, Võ Quán khác. Và ngược lại, Lễ Khai Môn sẽ phải tổ chức trước các nơi khác. Có thể hiểu như sau: càng ở cấp bậc cao, càng phải tỏ ra gương mẫu, tập luyện trước tiên và nghỉ ngơi sau cùng. Ngay ở các võ quán, người huấn luyện viên trên nguyên tắc phải là người đến lớp trước tiên và ra về sau cùng ( nhưng trong cuộc sống hiện tại, khó có thể áp dụng triệt để nguyên tắc ấy do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan).

ĐỐI VỚI ĐẠI SƯ CHƯỞNG MÔN : có 3 Đại Lễ

• Lễ Chấp chưởng (Tức là lễ thụ nhận chức vụ Chưởng Môn)

Đương nhiên ngày lễ này có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc giữ gìn các giềng mối, lưu truyền các tuyệt học bản môn và phát triển hoằng dương môn phái. Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt trong những giai đoạn lịch sử nhất định, thông thường các vị Chưởng Môn của các môn phái thân hữu khác đều được trân trọng mời tham dự chứng kiến. Điều này có liên quan đến một trong các tiêu chí để chỉ định và bầu chọn một vị Chưởng Môn là phải có năng lực cao trong việc duy trì mối quan hệ hữu hảo với Võ Lâm Đồng Đạo.

• Lễ khánh thọ

Đây là dịp để toàn thể môn đồ thể hiện lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc đối với công sức và tâm huyết của người lãnh đạo gánh trọng trách cao nhất trong môn phái.
Lễ vật hay tăng phẩm là một nét văn hóa đẹp vì mang tính đoàn kết của tập thể và thể hiện phần nào cái tâm của mỗi cá nhân môn đồ tùy theo điều kiện hoàn cảnh riêng. Văn hóa tặng lễ vật, quà, riêng đối với Đông phương cũng là cả một nghệ thuật hành xử sao cho đúng Đạo Lý làm người.

• Lễ giỗ của vị Đại Sư Chưởng Môn tiền nhiệm

Ngoài lễ Giỗ Tổ để tưởng nhớ công ơn của Tổ Sư cùng nhiều đời Chưởng Môn tiền nhân, trong Vịnh Xuân Chính Thống phái còn có lễ giỗ của vị Đại Sư Chưởng Môn một đời gần nhất trước vị đương kim Chưởng Môn vì thường đó là sư phụ của vị đương nhiệm.

ĐỐI VỚI NGƯỜI MÔN ĐỒ (có 3 Đại Lễ)

• Lễ Nhập Môn

Trong thời gian đầu đến với môn phái, người võ sinh còn trong giai đoạn tìm hiểu xem môn võ này có phù hợp với bản thân hay không, và chưa được mang đai.

Sau khi thi lên đai ( thường từ 3-6 tháng) và được mang đai (màu đen chưa có vạch, cấp thấp nhất), nếu học tiếp, người võ sinh vẫn chưa nhất thiết phải làm lễ Nhập Môn và vẫn được học và thi tiếp lên 1 – 2 cấp nữa. Chỉ khi người võ sinh thực tâm muốn xin nhập môn và đủ điều kiện thì mới được làm lễ Nhập Môn (thường đã mang Huyền đai đệ nhị đẳng).

Khi đã nnhập môn, trong mối tương quan thầy – trò (sư phụ – đệ tử), phát sinh các nghĩa vụ song phương (giữa đôi bên) mang tính ràng buộc một cách tương hỗ như sau :

Đối với đệ tử (có 3 nghĩa vụ chính)

– Chuyên cần tập luyện để không phụ công sức của thầy.
– Phụng dưỡng: đóng góp vào việc giải quyết những nhu cầu vật chất, tinh thần trong cuộc sống của người thầy để vị này có thể yên tâm dốc lòng truyền dạy.
– Đem sở học phục vụ cho cộng đồng, xã hội, qua đó làm rạng danh môn phái.

Đối với sư phụ (có 3 nghĩa vụ chính)

– Giáo dưỡng : tận tâm truyền dạy cho đệ tử đầy đủ cả 3 mặt Võ Thuật – Võ Học – Võ Đạo (tùy theo căn cơ, phẩm chất và duyên nghiệp của đệ tử)
– Giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho đệ tử (khi đệ tử gặp khó khăn, hoạn nạn về cá nhân hay gia đình) để tạo điều kiện cho đệ tử có thể tiếp tục theo học lâu dài.
– Bảo vệ và hỗ trợ tích cực cho đệ tử trong việc phát triển môn phái, phục vụ cộng đồng, xã hội ( nhờ uy tín, địa vị và các mối quan hệ xã hội của người thầy).

• Lễ Truyền Nhân

Sau nhiều năm học và tập luyện chuyên cần, thường là đã đạt trình độ Huyền đai đệ tam đẳng và đủ điều kiện để thi lên cấp Quán Trưởng Chu Sa Đai thì người môn đồ mới có thể được thụ phong Lễ Truyền Nhân. Lễ nhật quan trọng này đánh dấu sự kiên định, quyết tâm cao của người môn đồ để theo đuổi lâu dài con đường Võ Đạo với lòng trung thành tuyệt đối với môn phái một khi đã quán triệt được tôn chỉ và đường lối cao đẹp của bản môn (nói ngắn gọn là Ích Quốc, Lợi Dân – Đẹp Đời, Vinh Đạo). Chỉ khi đã là truyền nhân môn phái mới đủ xứng đáng để được truyền thụ những tuyệt học của bản môn.

• Lễ Xuất Sư ( hay Phong Sư, xưa học trên núi thì gọi là Lễ Hạ Sơn)

Quy chiếu với hệ thống đai, đẳng của Vịnh Xuân Chính Thống phái, lễ này chỉ đặc biệt dành cho các Quán Trưởng cao cấp từ Chu sa đai đệ ngũ, lục đẳng trở lên ( tối thiểu cũng từ Chu sa đai đệ tứ đẳng).

Để quý vị thấy rõ ý nghĩa cực kỳ quan trọng của việc phong Sư, xin đưa ra vài con số sau đây :

Trong hơn 30 năm phát triển tại Việt Nam và một số nước tại 3 châu lục, tổng số lượt người đã học qua lên đến hằng trăm ngàn, riêng đội ngũ Võ Sư, Quán trưởng cao cấp và trung cấp của Vịnh Xuân Chính Thống phái (hệ Nam Anh Công Phu) ước khoảng 100 người. Khi đã nhận nhiệm vụ huấn luyện, đội ngũ này được xã hội, cả về mặt pháp lý, công nhận là Thầy, là Võ Sư theo nghĩa nghề nghiệp.

Nhưng trong tổ chức Vịnh Xuân Chính Thống phái, thú thật chưa có vị nào (tính đến thời điểm hiện nay) đã được chính thức thụ phong “Sư”. Lý do là dù được Hội Đồng Khảo Thí và Hội Đồng Điều Hành xác nhận đạt trình độ Chu sa đai 5, 6 đẳng nhưng còn phải được sự nhất trí của Hội đồng Lãnh Đạo và Hội Đồng Kỷ Luật mới có thể đệ trình Đại Sư Chưởng Môn phê duyệt ( với quyền phủ quyết).

Tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một dịp khác, trước mắt chỉ muốn chia xẻ với quý vị nhận định sau :

Vẫn biết rằng quan niệm về tiêu chí “Tài, Đức” xưa và nay phải đổi thay, tiến hóa theo lẽ Biến Dịch. Nhưng tính nghiêm ngặt, “chính thống” của truyền thống văn hóa cao đẹp buộc vẫn phải tôn trọng một số chuẩn mực “cần và “đủ” với tính cầu toàn tương đối mà một người học, luyện Võ phải hội đủ để thực sự xứng đáng được công nhận là một “VÕ SƯ” chính danh.

Tác giả bài viết: Nam Yên

Bài viết liên quan


DANH NGÔN

  • Địch thủ thì mình đồng da sắt còn ta như cành khô củi mục… Than ôi! Giao đấu sẽ khác nào tự sát…Ngựa và khỉ há chẳng chạy nhảy và leo trèo rất khéo léo hay sao? Nhưng làm sao chống cự với loài hùm beo hổ báo…(Đại Sư Nguyên Minh)
  • Nền tảng tinh hoa của Vịnh Xuân Phái gồm có Ngũ Hình, Tam Tĩnh và Bát Môn… Ba giai đoạn này đều quan trọng như nhau, nếu thiếu một thì không còn là Vịnh Xuân nữa… Vịnh Xuân là không thừa, không thiếu…(Đại Sư Nguyên Tế Công)
  • Con người chỉ là một mảnh vụn tri thức vi tiểu, hoàn toàn bất lực trước lý Sinh Diệt, và đứng trước Đạo lớn huyền vi vô biên, hắn chỉ là một kẻ đại ngu!(Đại Sư Nguyên Minh)
Nam Anh KungFu
Nam Anh KungFu
NAM ANH KIỆT
Nam Anh KungFu
NAM ANH QUANG

Back to Top