“…Nền tảng tinh hoa của Vịnh Xuân Phái bao gồm Ngũ Hình, Tam Tĩnh và Bát Môn… Ba giai đoạn này đều quan trọng như nhau, nếu thiếu một thì không còn là Vịnh Xuân nữa… Vịnh Xuân là không thừa, không thiếu…” (Đại sư Nguyên Tế Công)
Đúng với tinh thần của lời vàng ý ngọc kể trên, môn Vịnh Xuân Chính Thống Phái đã áp dụng một giáo trình hoàn toàn cổ truyền, huấn luyện đầy đủ ba mặt không thể thiếu được của Võ thuật là Nội công, Ngoại công và Kỹ thuật chiến đấu.
Ở trình độ sơ đẳng, việc tập luyện đặt trọng tâm vào việc phát triển tối đa sức mạnh thể chất để có thể phát huy toàn bộ sức mạnh tiềm ẩn của con người, theo phương châm “Tinh thần chế ngự vật chất”.
Các Kỹ Thuật Cơ Bản
Tấn pháp có vững chắc thì đòn thế mới hiệu quả mạnh mẽ nên Vịnh Xuân sử dụng một số bộ Tấn đặc biệt trong sự tập luyện và chiến đấu vừa có ưu điểm là có thể di chuyển gọn gàng nhanh chóng trong mọi tình huống và phương hướng, lại vừa có thể phá đòn Tảo địa của đối phương. Bộ pháp kín đáo không để lộ sơ hở tạo điều kiện cho kẻ địch tấn công vừa khiến cho địch thủ khó tiên liệu được đòn thế:
► Luyện tấn pháp
► Luyện kình lực đòn thế
► Luyện bộ pháp và thân pháp
• Các Bài Quyền Cơ Bản
Bài quyền đầu tiên ở trình độ sơ đẳng là bài Tiểu Hình Ý. Đây là một dạng Tiểu Ngũ Hình dạy cho người mới học những kỹ thuật sơ đẳng và các nguyên tắc cơ bản của Võ thuật. Toàn bài được diễn tập ở thế tấn Bát tự kiềm dương (hai mũi bàn chân hướng vào trong, hơi ngửa thân ra sau). Thế tấn đặc thù của môn phái Vịnh Xuân này giúp tập trung và điều hòa hơi thở, dễ tụ và tán khí khiến đòn thế cực kỳ vững chắc. Đúng theo nguyên lý Âm Dương, 36 thế cơ bản của bài Tiểu Hình Ý được thi triển đủ mọi hướng lực và bao hàm đầy đủ trong công có thủ, trong thủ có công.
Kỹ thuật Tri thủ (còn gọi là niêm thủ) không phải là 1 bài quyền mà là những kỹ thuật tập luyện đặc biệt nhằm phát triển Xúc giác tỉnh (yếu tố thứ hai trong Tam tỉnh : Thị giác tỉnh , Xúc giác tỉnh , và Cảnh giác tỉnh), hầu vuơn tới đỉnh cao Linh Giác Dạ Quyền, là tuyệt học bản môn :
► Tiểu Hình Ý quyền pháp
► Tiểu Mai Hoa quyền pháp
► Đại Mai Hoa quyền pháp
► Tri thủ
• Quyền Pháp
Bài quyền là sự kết hợp một số động tác và đòn thế với công dụng là dùng để luyện Quyền (tức kỹ thuật chiến đấu) hoặc luyện Công (luyện kình lực hay luyện khí) hoặc luyện cả hai. Bài quyền giúp đạt được Lục Hợp tức là kết hợp giữa Ngoại tam hợp (Thân, Thủ, Bộ) và Nội tam hợp (Tinh, Khí, Thần). Tuy quyền pháp Ngũ Hình của Vịnh Xuân có nguồn gốc từ Ngũ Hình của Thiếu Lâm nhưng cũng có điểm khác biệt, ví dụ như Vịnh Xuân chú trọng nhiều về hai hình Xà và Hạc là hai hình nhu nên mới có câu “Xà Hạc vi sư” :
► 5 bài quyền ngũ hình : Hổ Hình Quyền, Báo Hình Quyền, Long Hình Quyền, Hạc Hình Quyền, Xà Hình Quyền
► bài Ngũ Hình Quyền (tổng hợp cả 5 hình)
Tinh hoa của Vịnh Xuân là ở chỗ áp dụng được kỹ thuật Ngũ hình, lấy Tam Tỉnh làm thời cơ, dùng Bát Môn để đạt được hiệu quả tối ưu.
Khẩu quyết : “… Lai lưu khứ tống, thoát thủ trực xung…” (Khách đến ta tiếp, khách về ta tiễn, phải xốc tới khi không gì ngăn trở) có nghĩa là trong thực tế chiến đấu, muốn hóa giải được mọi đòn thế của đối phương thì không nên đoán trước đòn thế mà phải linh động tùy cơ ứng biến, hòa nhập với mọi vận động của đối phương, khai thác tình huống để công thủ phản biến thể hiện nguyên lý “Vô chiêu thắng hữu chiêu” và như vậy mới đạt được “Quyền đả bất tri”.
Một số lớn môn đồ do không thấu đáo hoặc không được tâm truyền các bí quyết trên nên đã không chuyên luyện Ngũ Hình Quyền thậm chí còn phủ nhận Ngũ Hình Quyền không hề có trong hệ thống quyền thuật Vịnh Xuân…
Đại Sư Nam Anh
• Cước Pháp
Hệ thống cước pháp của Vịnh Xuân rất hoàn chỉnh và đầy đủ. Trái với sự lầm tưởng của nhiều người, trong Vịnh Xuân có sử dụng cả những ngọn đá sát mặt đất (36 thế Địa Sát Cước) và những ngọn đá bay ngoạn mục (8 thế Phi Không đòi hỏi nhiều năm khổ luyện).
Ở trình độ sơ đẳng thì tập 12 thế đá căn bản (Hoành – Tất – Xung – Sãi – Phan – Đính – Xuyên – Quỵ) cùng 4 bộ truy cước.
• Binh Khí
Trong thời đại vũ khí tối tân, việc tập luyện các món binh khí cổ truyền chỉ nhằm mục đích bảo tồn di sản văn hóa. Bài binh khí đầu tiên là Lục điểm bán côn vì côn là binh khí dễ sử dụng nhất và là gốc của mọi binh khí khác. Lục điểm bán côn chính là sở trường của Phu quân của Tổ Sư Nghiêm Vịnh Xuân, và cũng là vũ khí tự vệ được các Tăng, Ni Thiếu Lâm sử dụng để tránh sát thương kẻ địch thể hiện Đức Đại Bi nhà Phật (Sở dĩ gọi là Lục điểm vì bài này nhằm đánh vào 6 điểm chính là đầu, cổ, thái dương, chấn thủy, cổ tay và cổ chân) và Bán côn vì chiều dài của côn nằm giữa trường côn và đoản côn. Sự dung hòa này mang ý nghĩa của đạo trung dung.
► Lục điểm bán côn
► Bát trảm song đao
► Vũ hoa đơn đao
• Nội Công
Việc luyện tập Nội Công là bắt buộc để có thể áp dụng nguyên tắc Đoản Kiều Phát Lực. Khác với Trường Kiều Phát Lực là lối đánh rộng dài dùng thể lực và khoảng cách làm cơ bản và dựa trên nền tảng ngoại lực, các kỹ thuật Đoản Kiều phát lực muốn đạt hiệu năng thì phải có Nội lực (do sự chuyên cần Nội công, Khí công), đòn được tung ra ở khoảng cách ngắn hơn, nhanh gọn hơn mà vẫn mạnh mẽ, đầy đủ công lực. Ngoài công dụng nói trên, Nội công còn có khả năng bảo vệ nội tạng không bị tổn thương khi chiến đấu, vô hiệu hóa mọi tấn công của Địch Nhân :
► Kim cương nội công (Phương pháp Tụ Lực để Tán Lực kiện cường cơ thể, hỗ trợ cho các đòn đánh dễ Phát Lực)
• Kỹ Thuật Chiến Đấu
Không phải là sự sắp xếp đòn thế như một bài quyền, mà là sự áp dụng mọi kỹ thuật tinh xảo nhằm rèn luyện khả năng ứng phó với mọi tình huống trong thực tế chiến đấu. Áp dụng nguyên tắc “Vô kiều vấn lộ kiều, hữu kiều nương xông pha” (không cầu ta hỏi cầu, tùy cầu ta qua cầu…):
► Tầm Kiều (Là một mắt xích nối liền quyền thuật vào sự chiến đấu thực tế, là phần Tâm Truyền, là chìa khóa khám giải mật mã của Ngũ Hình Quyền hầu đem áp dụng một cách hữu hiệu vào thực tế và cũng là phần đào luyện khả năng đặc biệt của từng môn đồ. Tầm Kiều và Tiêu Chỉ không phải là những bài quyền như đa số các Hệ Phái Vịnh Xuân lầm tưởng)
► Liên Hoàn Ngũ Hình (Đây là một đấu pháp sơ đẳng đặc thù của các chi nhánh Thiếu Lâm)
“Địch thủ thì mình đồng da sắt còn ta như cành khô củi mục… Than ôi! Giao đấu sẽ khác nào tự sát…”
“Ngựa và khỉ há chẳng chạy nhảy và leo trèo rất khéo léo hay sao? Nhưng làm sao chống cự với loài hùm beo hổ báo…”
Đại sư Nguyên Minh
Ở giai đoạn này, việc tập luyện Nội Công, Khí Công được đặc biệt chú trọng nhằm phát triển “Khí”, là năng lực vô biên vượt lên trên các qui luật vật lý thông thường và có khả năng nâng kỹ thuật lên đỉnh cao của nghệ thuật là “phi hình vô tướng”.
► 108 Không thủ
► 108 Niêm thủ
► 108 Lưỡng Nghi
► 108 Tứ tượng
► 108 Bát Quái
► 108 Thái Cực
► 108 Mộc Nhân
► 108 Hoán Thủ
► 108 Linh Giác Dạ Quyền (Khả năng chiến đấu trong đêm tối )
Thêm 12 ngọn cước
• Binh Khí
Thêm các Kỳ Môn Binh Khí
• Ngoại Công
Lôi Oanh Chưởng (Các môn phái đều có một loại vũ khí đặc thù và chuyên dụng để tấn kích địch nhân, Lôi Oanh Chưởng tương tự Phích Lích Chưởng của Bạch Mi Phái, hai môn này đều có tầm sát thương cao hơn và nguy hiểm hơn Thiết Sa Chưởng của Thiếu Lâm cổ truyền)
– Ngũ Hình Khí Công (Một trong những Tam Bảo Trấn Môn tương tự như Kim Chung Tráo hay Thiết Bối Sam)
– Dịch Cân Kinh cổ truyền
• Kỹ Thuật Chiến Đấu
► Liên Hoàn Bức Đả Quyền Pháp (Sử dụng ở mức thượng thừa sẽ đạt tới Tiệt Quyền Đạo là mục đích tối thượng của mỗi đấu pháp và mỗi môn phái )
► Tam Tỉnh (Thị giác – Xúc giác – Cảnh giác)
► Bát Môn (4 Chiến Thuật : Công – Thủ – Phản – Biến; 4 Chiến Lược : Tiên Công, Hậu Công, Tiên Thủ, Hậu Thủ )
“…Ba năm đầu, các con chọn và tìm đến Thầy, ba năm sau chính Thầy sẽ chọn các con, sau đó thì chính là Duyên Nghiệp sẽ quyết định và dẫn dắt các con…”
Đại Sư Nam Anh
Việc giảng dạy ở trình độ Cao Đẳng là dưới dạng Tâm Truyền và Mật truyền, người Thầy phải “Tùy duyên mà độ, tùy nghiệp mà giáo” nhằm giúp cho môn sinh đạt phần công phu đặc dị thượng thừa của võ học.
Ngoài việc phải nắm vững Kỹ Thuật Chiến Đấu của bản phái và thấm nhuần Triết Lý Võ Đạo “Tam Chân-Tứ Xứng”, các cao đồ môn phái còn phải thông hiểu các học thuật huyền bí, mật truyền khác của Đông Phương như :
► Bát Nhã Thần Công (Tuyệt học của bản phái chỉ được Mật truyền cho các truyền nhân hoặc vị Chưởng Môn tương lai, đây là đỉnh cao võ học dẫn đến Đạo. Là Đại Lực thần thông để thấu hiểu và thể hiện được đức Đại Bi nhà Phật)
► Tử Vi Đẩu Số
► Tướng Pháp
► Thuật Phong Thủy
► Kỳ Môn Độn Giáp v.v…
Bài viết liên quan