Võ học là di sản quí báu từ xã hội truyền thống phương Đông. Để hiểu được võ cổ truyền Đông Phương, cần phải có kiến thức về nền tảng của xã hội truyền thống ấy.
Trong khoảng từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ III trước công nguyên, cục diện thế giới cực kỳ biến động. Tại Trung Hoa lúc ấy là thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, các nước chinh chiến triền miên khiến cả châu Á rơi vào hỗn loạn. Nhưng nghịch lý thay, chính thời kỳ ấy lại là thời kỳ vàng son của Triết Học Đông Phương, nơi mà ba triết thuyết lớn đã được phát triển rực rỡ làm nền tảng cho văn hóa Phương Đông. Các triết thuyết thời ấy đã tìm cách lý giải căn nguyên của bạo lực và đưa ra các phương cách để vãn hồi kỷ cương, trật tự xã hội, tái lập thái bình và sự hòa hợp giữa con người.
Do Thích Ca Mâu Ni tục danh Tất Đạt Đa Cồ Đàm truyền giảng vào thế kỷ thứ V trước Công Nguyên. Ngài vốn là một vị thái tử thuộc dòng tộc Sát Đế Lỵ bên Thiên Trúc, năm 29 tuổi đã từ bỏ cung điện xa hoa và cuộc sống vương giả để tìm đường giải thoát tâm linh. Sáu năm sau, Ngài đã chứng được Toàn Giác khi tham thiền nhập định dưới gốc cây bồ đề. Từ đó ngài đã đi thuyết giảng giáo lý phật pháp cho đến lúc viên tịch năm 80 tuổi.
Đạo Phật rất thâm sâu, trong đó có Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Duyên Nghiệp theo đó chúng sinh phải chịu kiếp Luân Hồi, khái niệm Vô Ngã hay huyễn tưởng về cái Tôi.
Truyết lý Phật Giáo đã dạy các pháp môn tụ tập để thấy được cái chân Tánh của con người, ngộ được Nghiệp và để đạt sự Giác Ngộ, cứu cánh Niết Bàn đoạn trừ được Luân Hồi.
Tại Trung Hoa, phải đợi đến 10 thế kỷ sau, Phật Giáo mới được hoằng dương rực rỡ và rất nhiều ngôi chùa đã được xây dựng để truyền giảng Phật Pháp. Một ngôi chùa về sau trở nên danh tiếng lẫy lừng với võ công hiển hách chính là Thiếu Lâm Tự.
Giáo lý Phật Pháp đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác và truyền bá khắp Châu Á, ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa triết học của Đông Phương. Cho đến tận ngày nay, triết lý ấy vẫn là nền tảng trọng tâm của các phái võ xuất phát từ Thiếu Lâm Tự với đường lối tập luyện để Tự Thắng và hành xử theo Duyên Nghiệp
Triết lý của Đạo Giáo có nguồn gốc từ các cổ thư như Dịch Kinh, Hà Đồ, Lạc Thư v.v… vào khoảng 5000 năm trước Công Nguyên.
Tuy nhiên, phải đợi đến khoảng thế kỷ thứ V trước Công Nguyên thì Lão Tử, với tác phẩm Đạo Đức Kinh đúc kết các nguyên lý triết học và huyền học, đã được tôn xưng là Tổ Sư của Lão Giáo.
Đạo giáo thực sự là ngành khoa học đầu tiên của phương Đông lý giải về sự hình thành của Vũ Trụ cùng các quy luật vận hành của Trời Đất. Biểu tượng của Đạo (Âm và Dương) là hai mặt đối lập của một tổng thể các năng lực chi phối Vũ Trụ vạn vật.
Theo Đạo Giáo, ngũ hành của Vũ Trụ tương ứng với Ngũ Tạng của con người và con người là Tiểu Vũ Trụ nằm trong Đại Vũ Trụ, có cùng nguồn gốc từ Hạo Nhiên Khí và bị chi phối bởi các quy luật chung của Vũ Trụ. Từ nhận thức này, các Đạo Sĩ Lão Giáo đã xây dựng được rất nhiều kiến thức và phương pháp thực hành đặt biệt về dưỡng sinh và thuật trường sinh bất lão.
Rất nhiều ngành học trong Võ thuật và Đông Y có nguồn gốc từ Đạo Giáo vốn là một triết học gắn liền với văn hóa phương Đông.
Triết thuyết này do Đức Khổng Phu Tử (551-479 trước Công Nguyên) xây dựng, chủ yếu nhằm thiết lập nên các nguyên tắc về luân lý trong một xã hội có tôn ti trật tự làm nền tảng cho kỷ cương, ổn định và hài hòa trong đời sống xã hội.
Lúc sinh thời, triết thuyết của Khổng Tử không được các vua chúa thời Xuân Thu Chiến Quốc công nhận nhưng được các môn đệ tiếp tục lưu truyền qua tác phẩm duy nhất của Ngài là Luận Ngữ. Mãi đến đời Hán Vũ Đế (149-87 trước Công Nguyên), triết thuyết của Ngài mới được công nhận là Quốc thuyết để điều hành đất nước, xã hội và đối nhân xử thế tại Trung Hoa. Mô hình chính trị này tồn tại đến tận thế kỷ XX.
Khổng Giáo xác lập rất rõ năm mối tương quan là : Quân-Thần (vua-tôi), Phụ-Tử (cha-con), Phu-Phụ (chồng-vợ), huynh-đệ (anh-em) và bằng hữu (bạn-bạn). Mỗi mối tương quan có những qui tắc luân lý riêng và mỗi vị trí trong xã hội được gắn liền với một số bổn phận cùng nghĩa vụ phải gánh vác, cùng những phẩm chất cần trau dồi.
Văn hóa phương Đông chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của Khổng Giáo, các môn võ cổ truyền đều bảo tồn các nguyên tắc về tôn ti trật tự, quan hệ Thầy-Trò (sự phụ-đệ tử) cũng như các nguyên tắc hành xử mẫu mực của người quân tử.
Ngày nay, triết lý nền tảng trong giáo trình đào tạo của các môn võ cổ truyền vẫn mang đậm dấu ấn của Tam Giáo. Các môn quy, giáo điều, nghi thức, tập tục và sinh hoạt bản môn đều có nguồn gốc từ Tam Giáo trong văn hóa truyền thống Đông Phương.
Cụ thể, tư tưởng Phật Giáo giúp người tập minh tâm kiến tánh, chế ngự được thất tình lục dục (7 trạng thái cảm xúc và 6 điếu ham muốn), chiến thắng được bản thân để hoàn thiện nhân cách. Tư tưởng Lão, Trang giúp người tập nắm vững quy luật vận động của vật chất và tinh thần, nâng cao hiệu năng trong luyện Võ và trong ngành Đông Y. Tư tưởng Khổng, Mạnh là nguồn gốc của cơ cấu tổ chức trong môn phái nhằm đảm bảo vận hành hiệu quả trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa truyền thống.
Ba triết thuyết kể trên hợp thành một tổng thể là nền tảng vững chắc cho đường lối giảng dạy của Bản Môn luôn soi rọi và hướng dẫn môn sinh trên con đường Võ Đạo.
Nguồn tin: www.vinhxuanphai.com
Bài viết liên quan