menu

Liên Kết

www.shaolinwingchun.com
www.peimeikungfu.com

LƯU TRỮ

Trang Nhất

Vịnh Xuân quyền Việt Nam: Sau màn sương khói

Cách đây không lâu, tờ Inside Kungfu, một tạp chí võ thuật uy tín ở phương Tây đã đưa ra nhận xét: “Vịnh Xuân quyền Việt Nam là một mắt xích quý giá đã bị thất lạc và tại đây nó đã bắt đầu một hành trình mới”.

Đây không phải là một nhận xét ngẫu nhiên. Từ gần nửa thế kỷ trước, Nguyên Tế Công – một đại đệ tử chân truyền đời thứ tư của đại phái lẫy lừng này cũng đã từng phải thốt lên: “Vịnh Xuân đã chuyển sang Việt Nam thật rồi!”.

Ngược dòng thời gian, vào năm 527, đời Lương Vũ Đế nhà Đường, vượt xa xôi vạn dặm, Bồ Đề Đạt Ma đã từ Ấn Độ sang Trung Quốc hoằng dương Phật pháp và võ thuật. Ngài đã chọn Thiếu Lâm tự, một ngôi chùa nhỏ cách kinh thành Lạc Dương chỉ vài dặm làm chốn dừng chân. Kể từ đó, Thiếu Lâm tự bắt đầu danh nổi như phao với tư cách là nơi phát khởi của nền võ thuật Trung Hoa. Đến đời Càn Long (1736-1796), Thiếu Lâm tự trở thành nơi tu luyện và học võ của rất đông những người “phản Thanh phục Minh”. Vì thế, nhà Thanh đã hỏa thiêu Thiếu Lâm tự, tàn sát các võ tăng.

Chỉ có 5 người, sử sách ghi nhận là “ngũ đại cao thủ”, thoát được kiếp nạn đẫm máu này. Đó là các Đại sư Chí Thiện, Phùng Đạo Đức, Miêu Hiền, Bạch Mi và Ngũ Mai. Cả năm vị đại sư này sau đó đều có công khai sáng và trở thành tổ sư của “ngũ đại danh phái” võ thuật Trung Quốc.

Thoát khỏi Thiếu Lâm tự đã thành đống tro tàn, Ngũ Mai Lão ni, tên thật là Hoàng Hoa Tiểu Mai đã lánh nạn về phương Nam. Trong điều kiện liên tục phải trốn tránh và chiến đấu chống lại sự truy bắt của quan binh Thanh triều, Ngũ Mai Lão ni đã chủ trương thay đổi nguyên lý “trường kiều phát lực” của võ thuật Thiếu Lâm vốn mã thượng và đẹp mắt bằng nguyên lý “đoản kiều phát lực” nhanh, linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh và hiệu quả chiến đấu cao hơn hẳn.

Võ phái mới của Ngũ Mai Lão ni vẫn dựa trên nền tảng “Phật Gia”, lấy “chính tâm”, “chính đạo” làm kim chỉ nam hun đúc và hội tụ anh tài, nhưng về phương pháp tập luyện và ứng dụng đã tạo ra cả một cuộc cách mạng thật sự. Bà đã lấy việc phát huy “xung” (các hiệu ứng liên hoàn nhờ tác nhân tương hỗ, lấy tốc độ làm yếu tố quyết định) và “khí” (huy động và điều khiển các trung tâm năng lượng trong cơ thể) thay cho nguyên lý dựa vào “kình” (lực công phá) và “trớn” (đà phát lực) của Thiếu Lâm.

Do cơ duyên, Ngũ Mai Lão ni đã gặp và thu nhận Nghiêm Vịnh Xuân, con gái của Nghiêm Chí, một người bán đậu phụ làm đồ đệ, truyền hết vốn liếng võ công tuyệt học cùng sở học uyên bác giúp nhân vật này trở thành một đại cao thủ siêu quần bạt chúng.

Là người nối nghiệp, Nghiêm Vịnh Xuân đã dần chỉnh lý, hoàn thiện con đường khổ luyện theo chuỗi mắt xích Ngũ hình – Tam tĩnh – Bát môn. Ngũ hình quyền là những động tác quyền thuật cốt yếu, mô phỏng động tác tinh hoa của năm loài vật là long, xà, hổ, báo, hạc.

Tam tĩnh là luyện cho thị giác tĩnh, xúc giác tĩnh, cảnh giác tĩnh để đạt đến cảnh giới tối thượng là sở đắc linh giác, ra đòn phát lực nhanh mạnh, phản xạ tự nhiên, phù hợp và chính xác không cần suy nghĩ, phát huy tối đa kỹ năng, kỹ xảo của cơ thể nhằm đạt hiệu quả chiến đấu cao nhất.

Bát môn là các phương thức đặc biệt ứng dụng quyền thuật để thể hiện đấu pháp đặc thù của môn phái, bao gồm 4 chiến thuật công – thủ – phản – biến và 4 chiến lược tiên công, hậu công, tiên thủ, hậu thủ. Sự hoàn thiện này đã nâng võ thuật có nguồn gốc Thiếu Lâm lên một tầm cao mới, đạt đến cảnh giới thượng thừa “hoàn hư đạt Đạo”, kết hợp nhuần nhuyễn, ảo diệu cả ba mặt võ thuật, võ học và võ đạo. Với công lao này, Nghiêm Vịnh Xuân đã được hậu thế suy tôn làm sư tổ, lấy tên bà làm tên của võ phái.

Như vậy, tên gọi đúng của võ phái này phải là Vịnh Xuân – ca ngợi mùa xuân. Còn Vĩnh Xuân – tức “mùa xuân vĩnh cửu” – lại là tên của một đại phái khác – Vĩnh Xuân Bạch Hạc – do Phương Vĩnh Xuân, con gái của Phương gia, một gia đình làm nghề bảo tiêu rất có thế lực sáng lập vào khoảng giữa thế kỷ XIX, sau Vịnh Xuân hơn một thế kỷ. Hồng Hy Quan, chồng của Phương Vĩnh Xuân cũng là một thiên tài kiệt xuất của võ lâm Trung Hoa. Ông chính là sư tổ của võ phái Hồng gia quyền nổi tiếng.

Bị hấp dẫn bởi sự hoàn hảo và hiệu quả chiến đấu phi thường của Vịnh Xuân quyền, một đại đồ đệ của Chí Thiện Thiền sư là Lương Bá Cầu (một số tài liệu ghi là Lương Bác Trù) đã xin thụ giáo, trở thành truyền nhân đời đầu tiên của môn phái. Ông đồng thời cũng trở thành phu quân của Nghiêm Vịnh Xuân. Ông có hai truyền nhân: Lương Nhị Tỷ và Hoàng Hoa Bảo, một người cháu họ của Ngũ Mai Lão ni.

Hầu hết những đệ tử chân truyền của môn phái Vịnh Xuân quyền đều theo đuổi mục tiêu “phản Thanh phục Minh” cho nên tung tích của họ đều bị che mờ trong một màn sương bí ẩn. Một quãng thời gian dài giữa thế kỷ XIX, không ai dám chắc Hoàng Hoa Bảo đã tâm truyền tinh hoa Vịnh Xuân cho bao nhiêu truyền nhân. Tuy nhiên, trong số truyền nhân ít ỏi ấy vẫn có hai đại cao thủ khét danh có vị trí xã hội gần như đối lập nhau.

Người thứ nhất là Lương Tán, một chiến sĩ Hồng Hoa Hội phản Thanh khoác áo diễn viên của gánh hát Hồng Thuyền thường xuyên dọc ngang trên sông Dương Tử. Người thứ hai là Phó Bá Quyền, một quan Công sai khét tiếng của Thanh triều. Lúc đã xế chiều, Phó Bá Quyền từ quan về quy ẩn ở Phật Sơn, trở thành một vị chân tu mang pháp danh Giác Hải đại sư, trụ trì Kim Cương tự. Ông đã truyền thụ võ công cho 4 đại môn đồ gồm Nguyên Trung, Nguyên Minh, Nguyên Tế Công và Nguyên Kỳ Sơn.

Ngoại trừ Nguyên Trung đại sư chọn con đường tu hành làm lẽ sống, nối nghiệp Giác Hải đại sư trụ trì Kim Cương tự, ba người còn lại đều chọn con đường dấn thân và hoằng dương võ thuật Vịnh Xuân ra cuộc đời thế tục. Hai trong số đó Nguyên Tế Công đại sư và Nguyên Minh đại sư đã cùng với Hạng Văn Giai, truyền nhân của một Thiền sư vô danh khác lần lượt tìm đến và chọn Việt Nam làm mảnh đất phát dương quang đại tinh hoa võ thuật Vịnh Xuân.

Nguyên Tế Công sinh năm 1877, tên thật là Lương Tế Vân, xuất thân trong một gia đình quyền quý. Thuở nhỏ, ông và người em ruột Kỳ Sơn đã được thọ giáo Vịnh Xuân quyền từ Phùng Tiểu Thanh, một vị võ quan về hưu vốn là đại truyền nhân của Đại sư Lương Tán. Khi tuổi cao sức yếu, Phùng Tiểu Thanh đã dắt hai anh em Tế Vân, Kỳ Sơn lên Kim Cương tự gửi gắm cho Giác Hải đại sư.

Thụ giáo Giác Hải đại sư thêm 7 năm, đạt trình độ võ học siêu đẳng, Lương Tế Vân được Giác Hải đại sư ban kiếm truyền nhân và cho hạ sơn. Máu hiệp sĩ đã đưa ông tung hoành trên chốn giang hồ đầy gió tanh mưa máu làm một tay bảo tiêu khét tiếng. Nguyên vào thế kỷ IX có một nhà sư mang hiệu là Tế Công thường giả điên bôn tẩu khắp nơi giúp những người dân nghèo bị áp bức giành lại công bằng. Cảm nghĩa, nhân dân nhiều nơi ở miền Nam Trung Hoa đã gọi ông là “hoạt Phật” (Phật sống). Đi theo lý tưởng hành đạo của ngài, Tế Vân đã chọn cho mình cái tên Nguyên Tế Công, hàm nghĩa tự nhận mình là “Tế Công tái thế”.

Năm 1939, khi tuổi đã cao, Nguyên Tế Công được các bang hội Hoa kiều mời sang Hà Nội dạy Vịnh Xuân quyền cho một số con em người Hoa trong các gia đình thế gia vọng tộc. Trong khoảng 15 năm (1939-1954), ông đã đào tạo được hàng loạt cao đồ Vịnh Xuân quyền cả người Hoa lẫn người Việt, trong đó nổi danh hơn cả là Quyền sư Hồ Hải Long (tên thật là Nguyễn Duy Hải, 1917-1988), Cam Thúc Cường, Ngô Sĩ Quý, Quách Tuyển…

Năm 1954, Nguyên Tế Công đưa cả gia đình vào miền Nam, vừa truyền thụ võ công vừa kết hợp với bác sĩ Lê Bá Khả (có thời từng là Tổng trưởng Bộ Y tế của chính quyền Sài Gòn) hành nghề Đông y tại Chợ Lớn. Quyền sư Hồ Hải Long đi cùng ông. Trước khi tạ thế vào năm 1961, ông cũng đã kịp đào tạo thành tài cho một loạt cao đồ khác ở miền Nam, sau này đều trở thành những võ sư nổi tiếng như Đỗ Bá Vinh, Lê Bá Khả, Lục Vĩnh Khải…

Nguyên Minh Đại Sư nhỏ hơn Nguyên Tế Công 7 tuổi. Ông sinh năm 1884 tại Phúc Kiến, chính tên là Hoàng Tường Phong, vốn là cháu đích tôn của Danh sư Hoàng Hoa Bảo. Thuở bé, Hoàng Tường Phong rất yếu ớt, đau ốm thường xuyên và hễ ăn dù một chút cá, thịt cũng nôn ra bằng hết. Lấy lý do đứa trẻ có căn duyên với nhà Phật, thực chất là cầu mong tìm cho cậu một con đường sống, gia đình đã gửi Hoàng Tường Phong vào nương nhờ cửa Phật tại Kim Cương tự từ khi cậu chỉ mới 6 tuổi. Đại sư Viên Hạnh trụ trì Kim Cương tự đã ban cho ông pháp danh Nguyên Minh (nghĩa là vốn có Tuệ căn).

Năm ông 11 tuổi, Đại sư Viên Hạnh viên tịch, ông được phương trượng kế vị là Giác Hải đại sư nhận đệ tử chân truyền. Sau 18 năm thọ trường trai (ăn chay trường) và theo đòi võ nghiệp, ông đã đạt trình độ siêu đẳng. Đoán trước sự diệt vong của Thanh triều, đất nước Trung Hoa sắp vào hồi tao loạn, mùa thu năm 1908, Giác Hải đại sư khuyên ông nên rời chùa để nhập thế cứu đời, kèm theo một lời gửi gắm đầy tính tiên tri: “Nhân dân vùng Hoàng Hà đang trông cậy nơi con. Hãy đem sở học cứu dân lầm than, đó mới là con đường Tâm đạo”.

Vâng lời thầy, ông hạ sơn. Sau Cách mạng Tân Hợi 1911, nhà Thanh tiêu vong, ông tình nguyện tham gia quân đội. Những năm 1937-1945, ông là một vị tướng Quốc dân đảng chủ trương chống Nhật quyết liệt, có nhiều võ công đã trở thành huyền thoại. Lũ lụt hoành hành lưu vực sông Hoàng Hà, ông trở thành người chỉ huy cứu hộ cứu tế, giành giật lại sự sống cho hàng chục vạn sinh linh trong cảnh lầm than. Lời tiên tri của Giác Hải đại sư đã trở nên ứng nghiệm.

Nguyên Minh đại sư đến Việt Nam lần đầu vào năm 1945, trong vai trò một viên tướng chỉ huy trong đệ bát lộ quân của Lư Hán vào giải giới quân Nhật. Năm 1949, Quốc dân đảng đại bại trong cuộc đua tranh với Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông không theo Tưởng Giới Thạch sang Đài Loan mà rời quân ngũ, đưa cả gia đình sang Việt Nam sinh sống. Tại Sài Gòn, gia đình ông mở một garage sửa xe hơi ở góc ngã tư Hiền Vương – Vườn Lài (nay là đường Hùng Vương giao với đường Lê Hồng Phong) mang tên Wing Fong (Tường Phong).

Chủ trương “võ nghiệp tùy duyên”, Nguyên Minh không mở võ đường, không thu nhận đồ đệ. Hàng chục năm ròng ông sống ẩn dật như một người bình thường trong lớp áo một ông chủ garage hiền lành, chẳng liên quan gì đến những trận thư hùng đẫm máu hay những cuộc ganh đua ầm ĩ của giới võ lâm cao thủ. Nhưng cuối cùng, chữ “căn duyên” cũng đã đưa đến cho bậc đại cao thủ này một đại đệ tử chân truyền.

Nguyễn Bảo Thạch, tên của người học trò này vốn dĩ cũng là một cao thủ lừng danh, tinh thông tuyệt kỹ của nhiều võ phái. Học Thiếu Lâm từ thuở ấu thơ với ông ngoại, năm 1957, Nguyễn Bảo Thạch lại được truyền thụ Võ Đang chân truyền bởi Đại sư Quán Thế Minh. Nhận thấy ông có năng lực võ học xuất chúng, năm 1967, Đại sư Trương Tòng Phú, cháu đích tôn của Thái cực Võ Đang Trương Tam Phong huyền thoại đã lấy tư cách Đại sư chưởng môn cho ông theo lên núi tu luyện và tâm truyền cho ông toàn bộ tuyệt kỹ của phái Võ Đang.

Cuối năm 1969, ngay sau khi hạ sơn, ông lại được Quyền sư Hồ Hải Long nhận làm đệ tử chân truyền của Vịnh Xuân. Sau năm 1975, là cao thủ cùng lúc của nhiều võ phái, ông được giao nhiệm vụ dạy võ trong trại Chí Hòa. Do số phận run rủi, ông đã có cơ may gặp gỡ và được Đại lão võ sư Hạng Văn Giai (cũng là một viên tướng Quốc dân đảng nổi tiếng, sang Việt Nam sau tháng 10-1949), lúc đó đã 96 tuổi cảm mến thụ cho những sở học thâm sâu về tướng pháp, phong thủy và tử vi đẩu số. Riêng về võ phái thuật, dù là một đại cao thủ, gần trăm tuổi vẫn khui vỏ thiếc hộp sữa chỉ bằng cách… bấm ngón tay, Đại sư Hạng Văn Giai vẫn từ chối không truyền. Thay vào đó, ông được vị đại sư gửi gắm cho người sư đệ của mình là Nguyên Minh đại sư.

Sau nhiều thử thách, cuối cùng Nguyên Minh đại sư đã chấp nhận ông làm đệ tử thân tín, dốc lòng truyền thụ cho ông suốt 6 năm (1977-1983) để hoàn thiện hết trình độ cao đẳng và siêu đẳng, công nhận ông đạt Chu sa đai cửu đẳng, thuộc hàng Đại sư sư (có quyền nghiên cứu sáng tạo nguyên lý mới hoặc lập võ phái mới) mang tên hiệu là Nam Anh. Trước khi rời Việt Nam, lấy tư cách đại diện Kim Cương tự, Nguyên Minh đại sư đã chính thức chỉ định Nam Anh đại sư làm truyền nhân đời thứ 6, Chưởng môn Vịnh Xuân chính thống phái tại Việt Nam. Khi định cư tại Québec (Canada), Nam Anh đại sư đã sáng lập và giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế Thiếu Lâm Vịnh Xuân Nam Anh Kungfu, tiếp tục phát dương tinh hoa võ thuật Vịnh Xuân ra nhiều vùng trên toàn thế giới.

Trong khi đó, năm 1985, khi đã 101 tuổi, sư phụ của ông lại tiếp tục rời chỗ trú thân thêm lần nữa. Nguyên Minh đại sư sang Đài Bắc, Đài Loan ẩn tu tại một ngôi cổ tự ở vùng Nhật Nguyệt Hồ. Từ đó đến cuối đời, ông không rong ruổi nữa. Năm 1998, ông tạ thế, thọ 114 tuổi!

Dẫn nguồn : http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/Vinh-Xuan-quyen-Viet-Nam-Sau-man-suong-khoi-324181/

Bài viết liên quan


DANH NGÔN

  • Địch thủ thì mình đồng da sắt còn ta như cành khô củi mục… Than ôi! Giao đấu sẽ khác nào tự sát…Ngựa và khỉ há chẳng chạy nhảy và leo trèo rất khéo léo hay sao? Nhưng làm sao chống cự với loài hùm beo hổ báo…(Đại Sư Nguyên Minh)
  • Nền tảng tinh hoa của Vịnh Xuân Phái gồm có Ngũ Hình, Tam Tĩnh và Bát Môn… Ba giai đoạn này đều quan trọng như nhau, nếu thiếu một thì không còn là Vịnh Xuân nữa… Vịnh Xuân là không thừa, không thiếu…(Đại Sư Nguyên Tế Công)
  • Con người chỉ là một mảnh vụn tri thức vi tiểu, hoàn toàn bất lực trước lý Sinh Diệt, và đứng trước Đạo lớn huyền vi vô biên, hắn chỉ là một kẻ đại ngu!(Đại Sư Nguyên Minh)
Nam Anh KungFu
Nam Anh KungFu
NAM ANH KIỆT
Nam Anh KungFu
NAM ANH QUANG
Nam Anh KungFu
VẠN PHÚC ĐẠO ĐƯỜNG

Back to Top