Thời đại văn minh, công nghệ phát triển, cùng với xu hướng thể thao hóa Võ Thuật cổ truyền, những công phu tuyệt kỹ võ học của người xưa hầu như đã thất truyền và rơi vào quên lãng.
Khái niệm “Trấn Môn Tam Bảo” của các Danh môn Đại Phái xa xưa nay mấy ai còn nhắc đến ?! Họa chăng, Thiếu Lâm với 72 tuyệt kỹ lừng danh bao thế kỷ trước nay chỉ còn công phu Thiết Sa Chưởng là được biết đến phần nào. Đề cập lĩnh vực những tuyệt kỹ công phu của tiền nhân, đặc biệt là “Lôi Oanh Chưởng” trong Môn Phái Vịnh Xuân không ngoài mong muốn cung cấp chút thông tin giúp quý bạn trẻ rộng phần kiến văn, qua đó nâng cao nhận thức 1 cách nghiêm túc về việc gìn giữ các di sản phi vật thể quý báu của nền văn hóa truyền thống Phương Đông.
Suốt chiều dài của Lịch Sử Võ Học, trong bối cảnh đấu tranh khốc liệt, tồn hoặc vong, các Môn Phái đều phải tự trang bị những vũ khí tối thượng để tồn tại, xiển dương, thậm chí trấn áp quần hùng! Mỗi Đại Phái đều có những bí kíp tinh hoa được hệ thống hóa thành “Trấn Môn Tam Bảo” như:
– Thiếu Lâm:
+ Dịch Cân Kinh
+ Thiết Sa Chưởng
+ Vô Tướng Thần Công
– Võ Đang:
+ Thái Âm Khí Công
+ Thôi Tâm Chưởng
+ Thái Cực Thần Công
– Bạch Mi:
+ Đạt Ma Khí Công
+ Phích Lịch Chưởng
+ Bách Tự Thần Công
– Vịnh Xuân:
+ Ngũ Hình Khí Công
+ Lôi Oanh Chưởng
+ Bát Nhã Thần Công
Có thể nói một cách cẩn trọng là các tuyệt kỹ Lôi Oanh Chưởng, Phích Lịch Chưởng “ lợi hại” hơn Thiết Sa Chưởng vì nguyên nhân là quy luật tiến hóa trong đấu tranh sinh tồn đã khiến Võ Thuật, Võ Học phát triển tột bậc. Khi đã có những công phu có khả năng sát thương đỉnh cao theo tiêu chí “ Nhất quyền xuất nhất mạng vong”, ắt sẽ có những công phu phòng vệ, khi đại thành có thể biến cơ thể thành mình đồng da sắt khả dĩ khiến quyền cước thậm chí đao thương không thể đả thương (ví dụ Thiết Bố Sam, Kim Chung Trạo, Thiết Ngưu Công …) .
Để khắc chế các công phu phòng vệ, các tuyệt kỹ sát thương đã được nâng lên từ sử dụng Dương Cương Kình vốn chỉ cần khoảng 10 năm khổ luyện đến sử dụng Âm Nhu Kình, đòi hỏi từ 20 đến 30 năm để tựu thành (Tiên Nhân Chưởng, Nhất Chỉ Thiền, Chu Sa Chưởng (hay Hồng Sa Thủ) …
Lôi Oanh Chưởng và Phích Lịch Chưởng cũng là dạng sử dụng Âm Nhu Kình.
Các giai thoại về công phu sử dụng Âm Nhu Kình không hiếm: Các danh sư Hoắc Nguyên Giáp (Tông sư Mê Tông Quyền), Cố Như Chương (Tông sư Thiếu Lâm Thiết Sa môn) đều vuốt nhẹ đả tử ngựa dữ, hay như Đại sư Triệu Trúc Khê (Tông sư Thái Cực Đường Lang), vuốt nhẹ quả cam thì bên ngoài vẫn bình thường, bên trong nát bét, cầm từng con cua sống lên thì con nào cũng chết…
Cách đây không lâu, có dịp chứng kiến 1 môn đồ cấp Quán Trưởng của Đại Sư Nam Anh (Chưởng Môn Vịnh Xuân Chính Thống Phái) vỗ vỡ 3 viên bê tông, mỗi viên dày gần cả tấc một cách nhẹ nhàng, người xem không khỏi thán phục mức sơ thành của công phu Lôi Oanh Chưởng!
Nói một cách khái quát, Lôi Oanh Chưởng (đánh như sấm nổ) là sự giao hòa Âm Dương Hỏa giáng Thủy thăng, Thủy Hỏa Ký tế, giải phóng 1 năng lượng khủng khiếp.
Tuyệt kỹ này của Vịnh Xuân khá tương đồng với Phích Lịch Chưởng của Bạch Mi vì Chấn Kình (Vịnh Xuân) khá tương đồng với Đàn Kình (Bạch Mi) nhưng tất nhiên vẫn có điểm khác biệt trong kỹ thuật phát Kình.
Nhìn chung, để luyện những tuyệt kỹ công phu, phải nắm được 3 yếu tố:
1. Phải đã thông Kỳ Kinh bát mạch
2. Phát được Kình dưới dạng sóng xung động kết hợp với Tinh, Khí, Thần hợp nhất
3. Cảm nhận đúng thời điểm tối ưu để phát kình tối đa
Có 3 cấp độ thành tựu:
1. Mục tiêu bị vỡ cả bên ngoài lẫn bên trong (khi chạm)
2. Bên ngoài không vỡ, bên trong vỡ nát
3. Cách không (không chạm mục tiêu vẫn vỡ bên trong)
Lý thuyết sơ lược là vậy, tuy nhiên tìm Chân Sư nắm vững được những tuyệt kỹ này ngày nay đã hiếm, việc cầu học với 1 bậc Chân Sư lại càng khó hơn! Chân lý “Luật Nhân Quả” dẫn đến một hệ quả tất yếu là phải “Xứng Kỳ Đức” .
Người cầu học, trước tiên phải Thành Tâm để được Chân Truyền. Sau nữa, phải Hằng Tâm để được Tâm Truyền về Võ Thuật. Lên tầng cao hơn là Võ Học, ngoài các phẩm chất kể trên người môn đồ còn phải có căn cơ thông minh hơn người mới có thể lĩnh hội được sự Bí Truyền các tuyệt kỹ trấn môn mà đôi khi chỉ được Mật truyền ( tức chỉ dành cho truyền nhân kế nhiệm danh vị Chưởng Môn).
Thưa quý bằng hữu,
Để “TRI” đã khó, “HÀNH” lại càng khó hơn! Từ “HÀNH” đến “ĐẮC” là cả con đường thăm thẵm sâu mà chỉ với Hằng Tâm khổ luyện vẫn chưa đủ, còn tùy vào Duyên, Nghiệp vậy!
Người viết trân trọng cẩn bút.
Nam Yên
Bài viết liên quan