“Con người chỉ là một mảnh vụn tri-thức vi tiểu, hoàn toàn bất lực trước lý Sinh Diệt, và đứng trước Đạo lớn huyền vi vô biên, hắn chỉ là một kẻ đại ngu!” (Đại Sư Nguyên Minh)
Một lần cuối, tôi phóng tầm mắt qua bức tường thấp bằng gạch loang lổ rêu phong. Ngôi nhà khang trang, kiến trúc theo lối cổ từ thế kỷ trước, nằm sau một hoa viên mỹ lệ. Vạn vật như chìm đắm vào trong giấc ngủ dưới cái nóng oi bức ban trưa tiết tháng mười.
Đắn đo mãi, tôi nhấn mạnh chuông, đây đã là lần thứ bảy tôi lại tìm đến nơi này. Tiếng sủa hung hăng và âm thanh phi nước đại của hai con bẹc giê khổng lồ đã quá quen thuộc, đến mức tôi có thể phân biệt tiếng chân của con đực với con cái. Kiên trì đứng đợi, tôi hình dung ra cảnh người lão bộc, nét mặt lạnh lùng, giọng không mấy thiện cảm, lại một lần nữa bước ra nói với tôi một cách cộc lốc: “Ông chủ không có nhà!”. Cuối cùng thì sau sáu tháng tìm kiếm ráo riết tôi mới đến được đúng chỗ ở của nhà triệu phú tên Hoàng Tường Phong, một thương gia đã cao tuổi trong ngành xuất nhập khẩu hàng hóa các loại.
Hai cánh cửa lớn, bản lề đã rỉ sét, rít lên nặng nề.
– Lại là cậu à!
Trong giọng nói của ông, tôi nhận thấy lần này có một sự thay đổi khác thường.
– Xin được diện kiến chủ nhân nhà này để tôi báo một tin vừa tốt vừa xấu cho ông ấy.
Vị lão bộc, tuy đã ngoại thất tuần nhưng động tác vẫn còn rất nhanh nhẹn. Con mãnh khuyển đang nhe nanh nhọn hoắt lao tới đã bị ông kềm cứng. Hai bàn tay to lớn khác thường, chứng tỏ một trình độ võ công cao thâm, Ông nắm chặt chiếc vòng da xiết quanh cổ khiến con vật gần như bị nhấc hổng lên khỏi mặt đất. Vẻ bí mật, ông trầm giọng:
– Hôm nay cậu gặp may đấy. Thấy cậu có hằng tâm, chủ nhân bảo tôi ra nói với cậu như thế này :
“Phàm nhân thường ao ước được thấy Thần Tiên, Phật Thánh và họ tin tưởng mãnh liệt là chỉ cần tụng kinh, khẩn cầu thì sẽ được Trời, Phật cứu giúp. Bậc “Trí giả” thì khác, khi cảm nhận được nơi nào có sự hiện diện của các đấng phi phàm, họ lập tức lên đường tìm kiếm. Bậc “Thức giả” thì không hề tìm kiếm nơi đâu vì biết rằng Phật hằng hữu mọi nơi, ngay trong tâm ta cũng có Phật.”
Lĩnh hội tức thời ngụ ý, tôi tiến lên một bước và nói:
– Xin hãy chỉ lối!
Vẻ kính cẩn, người lão bộc mời tôi vào..
– Cốt lõi của Sinh, Tử là gì?
– Sống giúp đời, Thác vinh Đạo.
– Thế nào là Anh Hùng?
– Biết mình là Anh, Tự thắng là Hùng.
– Thế nào là bỏ cái người cầu và cầu cái người bỏ?
– Ngày nay, mọi người xâu xé nhau chỉ vì chút tư lợi, cả thế giới tàn sát lẫn nhau vì những học thuyết chính trị mà từ bỏ cuộc sống tươi đẹp và thuần phong mỹ tục, ngày càng xa rời Đạo Lớn. Bậc Trí giả thì không làm vậy mà hành xử đúng Đạo lý, quên tư lợi để cầu Chính Đạo thay vì những học thuyết chính trị.
Giữa căn phòng trang hoàng nhiều cổ vật quí, uy nghi trên chiếc kỷ bằng gỗ Giáng Hương chạm trổ kiểu phương Đông, cuối tay dựa có khắc đầu rồng,vị lão trượng với gương mặt phúc hậu tựa Đức Phật, chợt phá lên cười. Tiếng cười vang rền đến độ thời gian như ngừng trôi và cả không gian đắm chìm vào vực thẳm yên lặng đến dị thường. Hoảng sợ, hai con bẹc giê chui vào nấp sau hai cánh cửa lớn và rên rỉ thảm thiết, thế nhưng tai tôi không hề ghi nhận được một âm thanh nào.
– Hóa ra lão hủ nho kia vẫn còn sống sờ sờ ra đấy! Cậu đây ắt hẳn phải là người tâm phúc của Lão!
Ông ngừng một lúc lâu vẻ nghĩ ngợi:
– Thời mạt pháp này, tìm đến ta phỏng có ích chi? Cậu mong cầu điều gì nơi ta?
– Thưa Đại Sư, chính vì lẽ ấy mà con tìm đến Thầy xin Thầy giúp con đóng một chiếc bè!
Ông hơi chồm người về phía trước, vẻ ngạc nhiên :
– Cậu thật tâm nghĩ là có thể vượt qua bể cả đầy phong ba bão tố trên một chiếc bè sao?
– Thưa Thầy không ạ! Con sẽ trú ẩn nơi một tiểu đảo chờ cho đến Hội Long Hoa.
Vị lão trượng đây chính là Đại Sư Nguyên Minh , nhân vật mà tôi phải kể “một câu chuyện xưa, chút ân tình cũ!” để được tiếp kiến. Ông vui vẻ thốt lên :
– Tốt, tốt lắm! Cậu hãy lại gần đây để ta nhìn cho rõ.
Tôi chịu đựng cái nhìn soi mói như xuyên thấu tâm can và bình thản hóa giải luồng nhân điện uy mãnh toát ra từ vị lão sư. Ông bỗng đứng lên và gọi người lão bộc :
– Tiểu ngu! Tiễn khách!
Trong lúc tôi đang ngỡ ngàng trước thái độ khó hiểu không mấy hiếu khách, ông chọn một quả hồng đỏ mọng trong đĩa hoa quả bày trên bệ thờ nguy nga và ném thẳng về phía tôi. Lực va chạm khiến quả hồng nát bét, chảy ràn rụa qua những ngón tay. Mặc tôi đứng đó suy đoán miên man, ông quay lưng lại, tay chắp sau người và hướng về phía cửa sổ trông ra khu nội viên. Dưới cặp lông mày rậm trắng tựa đôi kiếm bạc nhô cao, ánh mắt ông nhìn xa xăm… Chợt ông thốt lên :
– Hôm nay trời đẹp quá!
Thật vậy, tiết tháng mười, những cành hồng đang độ nở rộ đẹp nhất trong năm. Muôn nghìn đóa hồng tỏa ngát cánh nhung khoe sắc thắm như được tắm bằng máu dưới ánh nắng rực rỡ khiến trong tôi, Sân, Si chợt trỗi dậy, những bản năng vốn đã bị vùi chôn trong vô thức. Ngoài song, từng đôi bướm say men tình nắng, bay lượn tung tăng quên cả lối về. Chẳng biết tự đâu, hay từ một cõi hư vô, chợt vang lên tiếng dương cầm thánh thót, càng lúc càng dồn dập vút cao… rồi đột ngột nặng tay gieo lời vĩnh biệt, như một lệnh truyền, như một lời kêu gọi thiêng liêng!
7 năm sau… năm 1984
Tiếng Kim chung thánh thót kết thúc buổi hành lễ chìm trong tiếng thác đổ của cơn mưa ầm ầm sập đến. Chốc chốc, mọi vật lại sáng lòa lên vài giây để rồi tiếp đó là một tiếng nổ long trời lở đất. Từ thuở ấu thơ, tôi vẫn luôn cảm thấy vô cùng thích thú mỗi khi dán mình sau làn kính đẫm nước mưa say mê chiêm ngưỡng cuộc đối đầu kinh thiên động địa của Càn, Khôn.
Lạy xong ba lạy đúng nghi thức, tôi quì dưới chân Đại Sư chờ người ban những lời giáo huấn cuối cùng. Tháng ngày trôi qua sao quá nhanh, chẳng khác nào bóng câu qua cửa sổ. Thấm thoắt đã bảy năm, nhưng tôi vẫn nhớ như tạc vẻ mặt thản nhiên của người khi nghe tôi nhắc lại “chút ân tình xưa” vào ngày đầu gặp gỡ. Nay thì, vẫn đôi luồng nhãn quang sáng như điện ấy dưới đôi vầng thái dương nhô cao ấy, biểu hiện một nội lực thâm hậu, dần dần đã rực lên một ngọn lửa nồng ấm trong thẳm sâu ánh mắt người. Biết bao nhiêu mồ hôi đã thấm ướt quãng đường dài đưa đến nhà Thầy! Đã bao đêm, trước cánh cổng chỉ hé mở lúc nửa khuya, tôi đứng chờ dưới con mưa giá buốt..
“Này con, Thầy đã cử hành lễ Hạ sơn cho con đúng theo tập tục cổ truyền của môn phái Vịnh Xuân và nghi thức nghìn đời của Kim Cương Tự. Thầy chủ ý chọn đêm mưa bão này nhằm triệu thỉnh sự chứng giám của thần linh. Thần Long Nữ sẽ làm dịu bớt lửa nổi sôi bồng bột tuổi trẻ và Thần Phong Thiên sẽ che chở cho con. Hãy nghe cho kỹ: Trong Tử Vi của con, cung Di thuộc quẻ Chấn, điều này lý giải, con được sinh ra đời vào một đêm giông bão. Vì thế, cuộc đời con sẽ luôn phải đối đầu với gian nan thử thách và vô vàn phong ba bão tố cũng như sẽ gặp nhiều biến cố vô cùng trọng đại. Nhưng, chính trong những lúc hiểm nguy nhất, con sẽ được bình an vô sự và trong cuồng phong giông bão, con sẽ thấy được Vừng Đông. Nơi Hải Giác Thiên Nhai mới là đất dụng võ của con. Đó là nơi có vầng thái dương băng giá tan chảy trên những cành cây pha lê. Con hãy nhớ, viên dũng tướng tài ba nhất là người luôn chiến thắng mà không hề phải giao tranh. Vậy nên! con hãy luôn thiện dưỡng Hạo nhiên Khí và đa tụng Bát nhã Kinh: “Quán tự tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Xá Lợi Tử ! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, diệc phục như thị…”
Bên ngoài, mưa đã tạnh được một lúc. Thầy đứng lên, giọng bình thản:
– Đã đến thời điểm con phải ra đi. Nay con đã đủ bản lĩnh hữu dụng để tiếp bước trên con đường tu luyện. Đừng bao giờ quay lại chốn này nữa, âu cũng là thuận theo duyên nghiệp vậy! bởi lẽ, “Duyên Kỳ-Ngộ” bấy lâu mong đợi, nay tâm nguyện đã thành, Duyên cũng tận! Thôi con về đi, giờ phút này mọi hoa ngôn mỹ cử đều không cần thiết!
Thành tâm tưởng nhớ công ơn của Đại Sư Nguyên Minh
Tác giả bài viết: Đại Sư Nam Anh – Dịch giả: Nam Yên
Bài viết liên quan