menu

Liên Kết

www.shaolinwingchun.com
www.peimeikungfu.com

LƯU TRỮ

Trang Nhất

Một Vị Thầy Khả Kính

“Muôn vàn kiến thức không bằng một chút thực hành.” (Quyền Sư Hồ Hải Long)

Năm 1984

Tại một ngôi trường tiểu học trong Chợ Lớn, vào giờ tan lớp!

Căn phòng nhếch nhác, chật hẹp và ảm đạm nằm tận cuối dãy hành lang tăm tối. Dưới ánh đèn dầu vàng vọt hiu hắt, người bệnh nằm trên giường trông càng thảm não hơn và dường như bị chìm khuất dưới đống chăn màn đã nặng mùi.

– Không ai đến lau dọn phòng cho thầy sao? Tôi hỏi.

Không có tiếng trả lời. Chỉ có âm thanh ken két từ chiếc giường cũ kỹ vang lên khi tôi khẽ ngồi xuống bắt mạch cho Thầy. Mạch trầm và tế(1), tôi nói:

– Thầy cứ nằm nghỉ, để con nấu cháo và sắc thuốc cho Thầy.

Củi khô bén lửa nhanh chóng. Những ngọn lửa vờn quanh cái xoong méo mó. Từ nhỏ, tôi vẫn luôn yêu thích ngọn lửa. Ánh lửa đoàn tụ đêm Giao Thừa(2), mọi người quây quần quanh nồi bánh chưng nồng ấm nghĩa tình. Và ngọn lửa của sự sống tự nghìn xưa đã thắp sáng cuộc đời, ví như sợi Kim Thằng đã thắt chặt mối thâm tình cao quý giữa Thầy và tôi.

Những hình ảnh 15 năm xưa phút chốc chợt hiện về…

Năm 1969

Ánh đèn dầu, dần dần soi rõ khuôn mặt người đàn ông trạc ngũ tuần. Một bậc trượng phu với nét rắn rỏi, vầng trán rộng hói cao thông minh, vóc dáng tuy nhỏ bé nhưng thân hình rắn chắc và đôi vai rộng khiến ông quả là một địch thủ đáng gờm!

Chậm rãi ngồi xuống mồi tẩu thuốc, ông chợt cất giọng, tiếng vang tựa sấm :

– Tôi biết anh là người rất có Tâm Đạo vì đã là một Võ Sư(3) nổi danh mà anh vẫn tìm đến tôi xin thọ giáo. Tôi rất quý cung cách của anh, anh đã chiến thắng được chính bản thân(4), đó là điều khó nhất. Tuy vậy chưa hẳn tôi đã có đủ trình độ dạy anh. Nhưng dù sao, chúng ta cũng phải giao thủ cho đúng truyền thống môn phái Vịnh Xuân.

Từ buổi gặp gỡ đáng ghi nhớ ấy, suốt 3 năm trời ròng rã, ngày nào Thầy cũng đứng chờ Tôi dưới tàn cây sứ lớn tại công viên Đại Hàn, bất kể nắng mưa sương gió.

Một buổi sáng tháng bảy. Cả thành phố như ngập chìm dưới cơn mưa tựa thác đổ… Thầy vẫn đứng đó trong tư thế Lập thiền, mặc cho mưa bay lạnh giá quất trên khuôn mặt, hiên ngang và tĩnh lặng như một pho tượng âm u đượm vẻ phiền trách…

Phía sau nhà Thầy đã mục nát gần sập. Với sự đóng góp hậu hĩ của đệ tứ sư đệ Lạc Hà, một môn sinh vừa nhập môn và là Tổng Thư Ký Nguyệt san Võ Thuật, chúng tôi cho sửa sang tu bổ lại và mắc điện đầy đủ dùng làm nơi ôn luyện.

Một tối năm 1973, sau buổi khổ luyện, Thầy bộc bạch riêng với tôi :

– Nam Anh! Chút sở học về Vịnh Xuân, tôi đã truyền hết cho anh(5). Nay đã đến lúc anh phải tìm học thêm cho đầy đủ tinh hoa của bản môn. Tối nay tôi sẽ đưa anh đến gặp một người huynh đệ đồng môn tài nghệ hơn tôi gấp bội mới đủ khả năng dạy cho anh Ngũ Hình của Vịnh Xuân.

Tiếc thay, tôi đã phải thất vọng não nề! Sau bao nhiêu lần xin diện kiến bất thành, cuối cùng nhân vật này mới đồng ý tiếp chúng tôi. Đó là một lão sư ngoại lục tuần, vẻ thâm trầm, nghiêm nghị.

Lạnh lùng từ chối tặng vật, ông trả lời thẳng thừng :

– Đại Sư Tế Công có nói với ta rằng: ” …trong bách gia chư tử bên Tàu, không ai học được Ngũ Hình. Nay ta truyền cho con, con hãy giữ thật kỹ cho riêng mình”. Vì vậy, rất tiếc phải trả lời sư đệ rằng ta không thể làm trái ý Sư phụ được.

Hơi nóng bừng trên khuôn mặt, Thầy vẫn cố nài nỉ :

– Thưa sư huynh, ví thử huynh đem dạy lại cho một đệ tử bản môn thì điều ấy không hề trái với ý Sư phụ, đúng không nào ?

Thầy tiếp, giọng gần như van lơn :

– Hai huynh đệ ta nay cũng đều gần đất xa trời, thử hỏi, liệu trên cõi đời này, có cái gì thực sự là của riêng ta ?

Chỉ tay vào đồ hình Âm dương trên bàn thờ Tổ trang nghiêm, vị lão sư cười gằn, lời nói sắc lạnh như roi quất :

– Được lắm! Đã thế thì ta xin hỏi sư đệ một câu: Hắc trung hữu bạch, bạch trung hữu hắc, vậy hắc ở đâu? bạch ở đâu? Nếu không giải đáp được thì xin mời, cổng đã sẵn chờ tiễn khách.

Trên con đường về, Thầy đăm chiêu suốt.

Lại một lần khác, Thầy trò chúng tôi xin cầu kiến một cao thủ vang danh về Mộc nhân pháp, nhưng cũng chuốc phải thất vọng ê chề. Sau những lần thất bại ấy, Thầy vùi đầu vào đống tài liệu bí kíp cổ xưa, cố hoài công khám giải các khẩu quyết bí hiểm, có ngờ đâu điều ấy khởi đầu cho một số phận nghiệt ngã…!!!

Năm 1975, dòng xoáy cuộc đời đã cuốn chúng tôi đi mỗi người một ngả. Mãi 5 năm sau, vào năm 1980, Thầy và tôi mới có dịp trùng phùng trong một hoàn cảnh đáng buồn. Mới trở về từ trại học tập cải tạo, cuộc sống hôn nhân hoàn toàn đổ vỡ, toàn bộ gia tài của tôi chỉ vỏn vẹn vài bộ y phục và chiếc xe đạp cũ. Về phần Thầy, người càng nghèo khổ hơn xưa, và bị cơn bệnh loét bao tử hiểm nghèo luôn hành hạ.

Trao tôi thanh Long Phụng Kiếm(6), kỷ vật của một mối tình thanh cao thời trai trẻ sôi nổi, Thầy run giọng:

– Nam Anh! Hãy tìm người mua kiếm.

Dứt lời, Thầy vội quay lưng để che dấu nỗi xúc động dâng trào. Mắt tôi cay xé, cổ họng khô đắng… Bên ngoài, mưa như trút. Chẳng mấy chốc, con ngõ cụt đã ngập dưới dòng nước đen ngòm lều bều rác rưởi. Cả con hẻm ngột ngạt hôi nồng mùi cống rãnh. Tôi bước vội dưới cơn mưa…

Ba ngày sau, tôi trở lại trao trả Thầy thanh kiếm cùng với số tiền cần thiết để nhập viện. Thầy giữ chặt tay tôi thật lâu. Cố nén những giọt lệ, đôi mắt Thầy đỏ hoe khi nhận ra nơi ngón tay tôi đã không còn một kỷ vật cũng quý giá không kém…

Trên bếp lửa, nước bắt đầu réo sôi. Đâu đó, chợt có tiếng rên khẽ.

Tôi đút từng muỗng cháo, chút khí sắc hiện trên khuôn mặt Thầy. Giọng còn yếu, Thầy thì thào :

– Bác sĩ bảo phải giải phẫu lần nữa, mới đó mà phải mổ đến ba lần!

Thầy ngừng lại để thở.

– Tôi ngỡ đã khám phá được nhiều điều, nào ngờ…

– Thưa Thầy, con tin chắc Ngũ Hình Khí Công sẽ giúp Thầy khỏe hẳn.

– Đã muộn mất rồi!… Nam Anh, con(7) có thể đáp ứng mong ước cuối cùng của Thầy không?

Thầy nhìn sâu vào mắt tôi như muốn dò xét độ trung thực của người đệ tử thân yêu.

– Ước gì Thầy được tận mắt thấy 5 bài quyền Ngũ Hình một lần trong đời, rất mong con hãy…

Tôi đứng lên và chậm rãi thi triển 5 bài Ngũ Hình từng động tác một. Dứt 5 bài quyền, tôi diễn tiếp các bài “Lục điểm bán côn”, “Hạc hình thư bộ”, “Tiểu Mai Hoa” và “Đại Mai Hoa”. Trong lúc ấy, Thầy ngồi tựa lưng vào gối chăm chú theo dõi. Khuôn mặt tiều tụy chợt rạng rỡ, dâng trào một niềm vui…

Viết những dòng này, Tôi xin thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến một người Thầy khả kính, người đã hiến trọn đời mình cho Võ Đạo, đã tự hạ mình xuống để vươn lên hàng Đại Sư, một người bằng cả tâm huyết và lòng chính trực vẫn mãi là tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, sự hằng tâm, mang đậm nét nhân bản.

Ghi chú :

Võ sư Hồ Hải Long mất năm 1988 mà chưa kịp gặp lại lần cuối các đại đệ tử của người. Tang lễ được cử hành rất đơn sơ và buồn thảm, cũng giống như những năm tháng cuối đời Thầy…

Chú thích :

1- Theo Đông Y, mạch trầm và tế là khí lực rất suy nhược. Hy vọng lành bệnh rất mong manh.

2 – Giao thời giữa năm cũ và năm mới. Để nghinh đón thời khắc thiêng liêng này, phong tục người Việt Nam có nhiều nét sinh hoạt rất đặc sắc, đặc biệt trẻ con rất yêu thích được ngồi canh nồi bánh chưng lớn trên bếp hồng rực lửa.

3 – Ngày ấy, chúng tôi là một số Võ Sư trẻ đầy nhiệt huyết và lý tưởng, với hào khí ngất trời cùng hoài bão “quyết xoay bạch ốc lại lâu đài” đồng thời mang một niềm tin sắt đá vào tương lai thanh thiếu niên nước nhà. Chúng tôi đã soạn và cho xuất bản vô số sách vở và nguyệt san Võ Thuật là tạp chí về võ thuật duy nhất trong thập niên 60 nhằm khơi dậy công việc chấn hưng nền võ học cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Đa số những vị võ sư trẻ ấy ngày nay đã là những bậc Đại Sư ở khắp các nước trên thế giới như Vũ Đức, Hàng Thanh, Hạ Quốc Huy, Huỳnh Ninh Sơn, Từ Võ Hạnh, v.v…

4 – “Kẻ thù vĩ đại nhất chính là cái tôi bản thân, và thắng được bản thân quả là một cuộc Trường chinh Vạn Lý”. (Lời Đại Sư Nguyên Minh )

5 – Dân tộc Việt Nam có truyền thống khuyến khích và tôn vinh sự thành đạt của bản thân mỗi người. Vì vậy, các bậc cha mẹ thường tránh không xưng hô mày tao đối với con cái đã đạt được một chức vụ hay phẩm hàm nào đó trong xã hội nhằm biểu lộ sự trân trọng và niềm tự hào của bậc phụ huynh.

6 – Toàn bộ gia tài của Thầy gồm có một số tài liệu cũ, trong đó có vài bài do chính tay Thầy viết, và 2 thanh “bảo kiếm” là Thất tinh và Long Phụng. Thanh thứ 2 này là 1 kỷ vật chứng nhân cho bản tình khúc dang dở giữa chàng trai Hồ Hải Long và một giai nhân thời đại, sau này là “Trúc Lâm Nương “, một Ni Sư nổi tiếng Đạo Hạnh và Pháp thuật uyên thâm. Trong Tứ Linh (Long, Lân, Qui, Phụng), Long và Phụng là 2 biểu tượng văn hóa luôn song tồn suốt 4000 năm văn hiến, hoài mong ngày phối hợp.

7 – Suốt 16 năm qua, đó là phút giây duy nhất và là lần độc nhất Thầy đã xưng hô “Thầy và con” với tôi.

Tác giả bài viết: Đại Sư Nam Anh – Dịch giả: Nam Yên

Bài viết liên quan


DANH NGÔN

  • Địch thủ thì mình đồng da sắt còn ta như cành khô củi mục… Than ôi! Giao đấu sẽ khác nào tự sát…Ngựa và khỉ há chẳng chạy nhảy và leo trèo rất khéo léo hay sao? Nhưng làm sao chống cự với loài hùm beo hổ báo…(Đại Sư Nguyên Minh)
  • Nền tảng tinh hoa của Vịnh Xuân Phái gồm có Ngũ Hình, Tam Tĩnh và Bát Môn… Ba giai đoạn này đều quan trọng như nhau, nếu thiếu một thì không còn là Vịnh Xuân nữa… Vịnh Xuân là không thừa, không thiếu…(Đại Sư Nguyên Tế Công)
  • Con người chỉ là một mảnh vụn tri thức vi tiểu, hoàn toàn bất lực trước lý Sinh Diệt, và đứng trước Đạo lớn huyền vi vô biên, hắn chỉ là một kẻ đại ngu!(Đại Sư Nguyên Minh)
Nam Anh KungFu
Nam Anh KungFu
NAM ANH KIỆT
Nam Anh KungFu
NAM ANH QUANG

Back to Top