Rừng núi Lai Châu tại biên giới Việt-Trung năm 1935. Bên trong ngôi nhà bằng vách đất mái đã xiêu, đượm vẻ hoang tàn. Nguyên Tế Công vẫn thản nhiên chậm rãi gài chiếc nút cuối cùng của bộ y phục dạ hành rồi nói với người vừa đột nhập.
– Sư đệ làm cách nào mà tìm được tung tích của ta?
Nguyên Minh đáp, không trả lời câu hỏi :
– Sư phụ buộc huynh phải quay về Chùa để giải thích về những hành vi của huynh. Trong giang hồ đồn rằng sư huynh đã gây nên bao cuộc tàn sát và cây côn của huynh, món binh khí mà Sư phụ đã ban cho khi hạ sơn, nay đã nhuộm màu máu. Sư huynh đã phạm giới nghiêm trọng và đã làm cho thanh danh của Kim Cương Tự bị ô uế!
Tế Công chợt phá lên cười, những âm thanh nặng đục rền vang khiến cho cả khu rừng khuya âm u phải rung chuyển trong màn đêm :
– Này hiền đệ, đối với bọn lục lâm cường đạo thì ngay cả cửa Phật từ bi cũng phải khép chặt. Huống chi ta là kẻ thế thiên hành đạo, cứu khổn phò nguy. Ta sai chỗ nào? Tất cả những kẻ mà ta đã lấy mạng, hãy chỉ xem có kẻ nào mà không phải là cường hào ác bá, có kẻ nào lại không phải là tham quan ô lại?
– Đạo trời tuyên đức hiếu sinh, Nguyên Minh nhắc nhở, lại nữa có câu “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Là người hành đạo sao sư huynh không để cho chúng một cơ hội cuối cùng để sống? Vốn lại người trần mắt thịt, thiện ác khó phân và cả hai đều hiện hữu trong chúng ta vì vậy mọi biện pháp cực đoan do cảm tính không phải lúc nào cũng cần thiết và tốt đâu!
Tế Công treo lại cặp song đao của ông lên tường, khuất sau một tấm rèm mây. Ông thở dài :
– Thôi được! Vì lòng tôn kính Sư Phụ và ghi nhận cao kiến của sư đệ…
Bước ra khỏi căn nhà dùng làm nơi trú ẩn tạm, Tế Công nắm lấy tay Nguyên Minh và nói :
– Đi với ta rồi sư đệ sẽ hiểu rằng trong một khu vườn đẹp thì không thể có chỗ cho loài cỏ dại được.
Đang giữa mùa hè nhưng tiết trời rất lạnh, dưới ánh trăng những giọt nước đọng trên lá rừng long lanh…
Khoảnh khắc sau đó tại một nơi thâm sơn cùng cốc, Tế Công đã chạm mặt kẻ thù, và đó là lần đầu tiên Ông đã quyết định tha mạng cho đối phương. Cũng vì hành động này khiến cho Ông chín năm sau suýt nữa phải hối tiếc…
Tác giả bài viết: Đại Sư Nam Anh – Dịch giả: Nam Yên
Bài viết liên quan