Đối với chúng ta quần áo để giữ gìn thân nhiệt, bảo vệ cơ thể chống gió lạnh, giá rét và tạo cho người mặc dáng vẻ phù hợp với phong tục tập quán văn minh… Với người giàu sang thì quần áo là trang phục nên họ ăn mặc theo sở thích để khẳng định sự thành đạt! Vì thế …đúng là chiếc áo đã làm nên Thầy tu!
Trong lĩnh vực Võ Thuật cổ truyền, trang phục hay võ phục biểu hiện, tượng trưng một giá trị không thể phủ nhận về thành quả đạt được của người tập võ. Như vậy, bộ võ phục màu đen công nhận và chứng tỏ một sự nhận thức từ con tim, một thành quả nhất định và một trình độ bậc Thầy trên con đường tu luyện. Hiểu như vậy, thì người mặc võ phục màu đen có trách nhiệm tâm truyền sở học và kinh nghiệm hành đạo của bản thân cho đời sau, qua đó được mọi người kính trọng và tôn vinh là “Võ Sư Hoằng Dương Đạo Pháp”.
Từ ngàn xưa, võ phục bậc Sư trong Võ Thuật luôn mang ý nghĩa vô cùng cao quý và thiêng liêng vì nó là biểu tượng cho những đức tính cao đẹp mà giới võ thuật và xã hội ngày nay đều ngưỡng mộ và mong cầu. Trung Nghĩa, Chính Trực, Tương Thân, Dũng Cảm, Nhân Ái và nhất là lòng biết ơn các bậc tiền bối, các Thầy đã dạy dỗ, dẫn dắt chúng ta, đã góp phần đem lại cho chúng ta mọi điều an vui tốt đẹp.
Giá trị con người không thể hình thành từ thói tự cao tự đại cá nhân mà chân giá trị phải được xây dựng từ những thành tựu bản thân, từ những đóng góp xây dựng xã hội và cuối cùng phải được chính xã hội tôn vinh hay trân trọng. Từ nhận thức trên, việc phong đai và ban sắc phục trong các Môn Phái cổ truyền bắt buộc phải do các Bậc Thầy định đoạt, đó là sự công nhận cả hai mặt Tài Đức vẹn toàn hằng tâm tu tập trên con đường Võ Đạo.
Không thể có ngoại lệ nào khác!
Một cá nhân tự phong cho bản thân đai đẳng hay chức danh, tiếm dụng danh vị hay sử dụng bất hợp pháp võ phục bậc Sư, là người hoang tưởng, ngộ nhận về giá trị bản thân. Một kẻ bất trí, vô tri xuyên phá nền tảng đạo lý cao quý “Tôn Sư Trọng Đạo” của bao thế hệ tiền nhân…
Bởi lẽ, chiếc áo không làm nên Thầy tu và võ phục màu đen mặc tùy tiện dứt khoát không làm nên hình ảnh một Võ Sư Chân Chính.
Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp do Đại Sư Nam Anh viết tại Montreal-Mùa Hè 2013
Bài viết liên quan