Sau 10 năm xa cách tôi mới gặp lại Lục Bình Đạo Nhân. Tuy đã ngoài trăm tuổi (109) nhưng Đại Sư vẫn không hề thay đổi, với búi tóc kiểu đạo sĩ đã bạc xóa theo năm tháng.
Một tay ông cầm tẩu thuốc đã cũ kỹ tạc bằng đốt xương vai của một tên cường đạo vô phúc đã chạm trán Đại Sư 80 năm về trước. Trong tay kia là cây gậy Thiết trúc được uốn vặn, u nần biến dạng tại các tiết đốt, đầu gậy lủng lẳng một bầu hồ lô khổng lồ. Đại sư khẽ lay cây Thiết trúc, tiếng lách cách từ những chiếc vòng làm từ xương người đeo trên hai cổ tay gầy gò lại vang lên. Những chiến tích của Đại Sư khiến tôi hồi tưởng những giai thoại hào hùng về một hiệp khách hồi đầu thế kỷ, đơn thân độc mã giang hồ hành hiệp suốt dọc biên giới Việt-Trung đã gieo rắc kinh hoàng cho bọn lục lâm thảo khấu và tham quan ô lại.
Suốt nhiều ngày liền, Thầy trò chúng tôi mải mê đàm đạo thâu đêm, cho đến khi lửa trong lò đã tàn, rượu trong bầu đã cạn… Đại Sư ngồi đó, đối diện với tôi là hình ảnh một vị Đạo sĩ già với nụ cười trẻ thơ và ánh mắt lúc nào cũng như soi thấu tâm can. Đại Sư cất giọng trầm và ấm áp khiến tôi chợt tỉnh:
Này con, với công phu sở học của mình, con đã đạt được thành quả gì ở phương Tây, hãy kể ta nghe. Nhưng trước tiên hãy trả lời những câu hỏi này của ta đã :
– Con có còn truyền dạy chúng đệ tử mà không cần giải thích nữa không ?
– Dạ thưa thầy không ạ. Trái lại là khác, con đã hao tốn nhiều hơi sức, loanh quanh dông dài giải thích cho chúng.
Đang châm tách trà bằng đất nung, Đại sư chợt khựng lại.
– Thế con có còn chửi mắng chúng thậm tệ không ?
– Dạ không ạ. Nay thì con phải luôn khen ngợi để động viên chúng.
Đôi lông mày rậm và bạc trắng của Đại Sư nhíu lại đến giao nhau trong ánh mắt sâu thẳm :
– Thế, con có còn bợp tai đá đít chúng khi chúng làm điều sằng bậy hay không ?
– Dạ thưa không dám ạ! Phương pháp này không còn khả dụng nữa ạ!
Đại Sư thở dài, ánh mắt xa xăm :
– Thế thì con đã trở thành một người thầy “Bất Xứng”. Không biết đến bao giờ phương Tây mới có được một người có thể đạt được trình độ đại sư…
Tác giả bài viết: Đại Sư Nam Anh – Dịch giả: Nam Yên
Bài viết liên quan